22,37% người lao động được đào tạo, có văn bằng chứng chỉ: Chưa phản ánh đúng thực tế lực lượng lao động
Giờ học chất lượng cao nghề Cơ điện tử của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ảnh Hải Nguyễn
Các chuyên gia cho rằng, 22,37% được đào tạo, có văn bằng chứng chỉ, còn lại là người không có văn bằng chứng chỉ nghề, song họ vẫn lao động bình thường, tăng năng suất lao động và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Như vậy, đặt ra vấn đề cần có hệ thống chuẩn hoá và công nhận kỹ năng nghề cho người lao động, kể cả những người chưa qua đào tạo.
Công nhận kỹ năng nghề cho NLĐ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý II/2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỉ lệ 57,65%). Trong đó, lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37% (lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%; cao đẳng chiếm 3,82%; trung cấp chiếm 4,65%; sơ cấp chiếm 3,08% trong tổng lực lượng lao động).
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - cho hay: “Như theo thống kê, có đến 77,63% lao động chưa qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ. Trong khi đó, họ là những người lao động (NLĐ) bình thường, vẫn có công việc, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước, tăng năng suất lao động. Điều này không phản ánh đúng thực tế trong nền kinh tế, lực lượng lao động của đất nước”.
Bên cạnh đó, tốc độ đào tạo của cả hệ thống là hơn 2 triệu lao động trong khối giáo dục nghề nghiệp, còn khối đại học khoảng 400-500 người tốt nghiệp mỗi năm. Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề nghiệp đặt câu hỏi, vậy đến khi nào mới phủ kín được 77,63% NLĐ chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ?
“Như vậy, một mình hệ thống đào tạo không thể đảm đương được. Theo kinh nghiệm trên thế giới và các nước phát triển, cần có hệ thống chuẩn hoá và công nhận kỹ năng nghề cho NLĐ, kể cả những người chưa qua đào tạo. Họ tiếp tục phấn đấu theo nghề nghiệp, tự học, đào tạo tại chỗ và được doanh nghiệp công nhận, Nhà nước công nhận có kỹ năng”- ông Trường nói.
Giải bài toán năng suất lao động của Việt Nam còn thấp
Vụ trưởng Vụ kỹ năng nghề cho hay, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với thế giới, kể cả với khu vực ASEAN. Do đó, cần có các giải pháp, công cụ hữu hiệu để nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ theo yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
Công tác chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho NLĐ đang phải đối mặt với những thách thức. Ông Trường điểm lại 3 thách thức: Thứ nhất, chuẩn hóa và phát triển kỹ năng cho NLĐ ở những việc làm chưa từng có trong hiện tại; Thứ hai, chuẩn hóa và phát triển kỹ năng cho NLĐ ở những việc làm ứng dụng công nghệ chưa từng được phát minh; Thứ ba, việc chậm thay đổi nhận thức và thói quen (tư duy bằng cấp và tuyển dụng chủ yếu dựa vào bằng cấp…) cũng là thách thức với công tác chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho NLĐ.
Ông Trường cho rằng, hai thách thức trên do khách quan và cả thế giới phải đối mặt. Khi khoa học công nghệ phát triển mạnh, yêu cầu về kỹ năng với NLĐ ngày càng cao. Về thách thức thứ 3, tuỳ thuộc vào thói quen và tư duy của từng đất nước và dân tộc. Đất nước ta tư duy bằng cấp, tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng cần bằng cấp. Trong khi các quốc gia, bằng cấp chỉ là điều kiện cần, còn thực lực, kỹ năng của NLĐ mới là yếu tố các doanh nghiệp quan tâm.
Muốn vượt nhanh, khẳng định nhanh về kỹ năng của NLĐ, nước ta cần phải công nhận kỹ năng cho họ. Có như vậy, cần thay đổi tư duy nhà tuyển dụng và NLĐ về bằng cấp.
Ông Trường nhấn mạnh: “Như vậy, đặt ra vấn đề phải chuẩn hoá kỹ năng. Việc làm đầu tiên, Nhà nước cần đẩy mạnh triển khai khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia (khác với khung trình độ đào tạo) mà quốc tế đã làm lâu, ILO ban hành danh mục nghề nghiệp gần 60 năm nay. Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định danh mục nghề nghiệp Việt Nam. Theo đó, kỹ năng và khung trình độ đã có, chúng ta có thể dựa vào đây để làm. Từ đó, thay đổi văn hoá tuyển dụng, người đào tạo, tư duy của xã hội”.